Thực tế hiện nay thì không ít doanh nghiệp, công ty đều muốn làm web, từ thiết kế web giới thiệu công ty đơn giản cho đến những website chuyên nghiệp với giao diện độc quyền, tính năng theo yêu cầu, mọi trang web được tạo ra đều mang đến những giá trị khác nhau cho doanh nghiệp sở hữu nó. Tuy vậy thì nhiều khách hàng chọn thiết kế web chuyên nghiệp nhưng không biết cách đánh giá nên lầm tưởng với những dịch vụ giá rẻ, dẫn đến website không như ý muốn, một trang web rẻ tiền nhưng phải trả cái giá của một website chuyên nghiệp.
Như thế nào là website được thiết kế chuyên nghiệp?
Thực tế mà nói, không có từ điển nào có thể định nghĩa từ “chuyên nghiệp” một cách chính xác và đầy đủ cả. Theo quan niệm được chấp nhận nhiều nhất, chuyên nghiệp là thái độ chăm chỉ, cầu tiến trong công việc, kèm theo đó là những quy tắc ứng xử khiêm tốn và lịch thiệp.
Đôi khi, người ta dùng từ “chuyên nghiệp” để chỉ những người làm việc toàn thời gian, như những “cầu thủ chuyên nghiệp”, để so với những “cầu thủ không chuyên” đi làm nha sĩ, làm sale hay chạy Grab cả tuần, rồi thi thoảng mới xuất hiện trên sân bóng vào thứ bảy, chủ nhật.
Ở mỗi thời đại và ngành nghề khác nhau, định nghĩa về “chuyên nghiệp” lại khác đi một chút. Với lập trình và phát triển website, một nghề mới được sinh ra trong thời đại bùng nổ công nghệ, từ “chuyên nghiệp” lại càng mông lung và mơ hồ hơn nữa.
Tuy nhiên, cũng có những phương pháp, quy tắc được chấp hành rộng rãi để đánh giá liệu website này có chuyên nghiệp hơn website kia hay không. Nhưng trước hết cần phải nói rằng, công nghệ website đã đủ trưởng thành và chín chắn để nhận ra rằng: hình thức không thể nói lên tính chuyên nghiệp.
Việc bạn có tuân theo xu hướng về hình thức của đám đông không đem lại cho bạn sự chuyên nghiệp, mà kể cả có chống lại nó cũng vậy. Lấy ví dụ về font chữ, cả thế giới đang dành sự ưu ái đặc biệt dành cho font chữ không chân sans serif. Nhưng cho dù bạn chọn theo sans serif hay trung thành với serif như font Times New Roman kinh điển trên Microsoft Words, thì bấy nhiêu đó cũng không đủ xác định website của bạn có chuyên nghiệp hay không.
Còn vô vàn yếu tố khác, từ bên ngoài lẫn bên trong website của bạn góp phần định hình tính chuyên nghiệp cho nó. Có khá nhiều tiêu chí được dùng để xác định tính chuyên nghiệp của website, nhưng các tiêu chí đó phải thỏa mãn 3 nguyên tắc cốt lõi: đồng bộ, định vị thương hiệu và phục vụ cho khách hàng.
Sự đồng bộ
Sự đồng bộ, về cả hình thức lẫn nội dung, nói lên tính chuyên nghiệp của một người (với nội dung chính là tri thức, phong thái làm việc, cách ăn nói, ứng xử…). Và với website cũng như vậy.
Trang chủ các trang tin tức thường phải hiện đầy đủ các mục tin, đặc biệt là những mục quan trọng như: thời sự, kinh tế, pháp luật, xã hội… Bố cục nên được chia thành nhiều cột, các bài viết thể hiện dưới dạng thẻ: một bên là ảnh thu nhỏ còn một bên là dòng tóm tắt bài báo. Thiết kế của trang không được quá màu mè sặc sỡ, menu và các nút bấm nên thể hiện sự lịch sự và nghiêm túc, đúng phong thái của một nhà báo, một tờ báo.
Ngược lại, một website về thời trang nên chú trọng nhiều vào hình ảnh, trưng ra những hình ảnh lớn và sắc nét, bắt mắt ngay trang chính. Nội dung chữ nên tĩnh lược, ngắn nhưng ẩn chứa nhiều ý nghĩa như những câu slogan, những câu nói truyền cảm hứng đặc biệt trong lĩnh vực thời trang. Thanh menu và các nút bấm, cũng như cách thể hiện website có thể được phóng túng hơn, thể hiện nhiều cá tính hơn.
Ngay từ lần truy cập đầu tiên, độc giả sẽ lập tức cảm nhận và đoán biết được chủ đề cũng như nội dung của trang. Trong nhận thức hầu hết mọi người, sự đồng bộ này tạo nên tính chuyên nghiệp.
Ngoài ra, việc thống nhất giữa hình thức và nội dung với chủ đề của website tạo ra một dấu ấn rõ nét hơn trong ký ức của khách ghé thăm, củng cố nguyên tắc chuyên nghiệp thứ hai: định vị thương hiệu.
Định vị thương hiệu
Một website chuyên nghiệp phải giúp định vị được thương hiệu của người chủ sở hữu. Website bạn phải có một logo, banner và các chi tiết thiết kế không trùng lắp với phần lớn những site khác. Tuy nhiên, bạn phải làm được điều đó mà vẫn phải bảo toàn các quy tắc về thiết kế và sáng tạo nội dung.
Tức là, bạn không nên tạo dấu ấn cá nhân bằng cách phóng to logo thương hiệu lên 400% rồi đặt nó vào chính giữa trang web của bạn. Một kiểu thiết kế như vậy chỉ làm độc giả thêm bối rối, khó khăn và thêm ác cảm với bạn mà thôi.
Đấy chính là cái khó của việc thiết kế website có thể định vị thương hiệu, nhưng nó cũng là thứ giúp bạn khác biệt với 99% trang còn lại trên mạng. Chỉ cần sự khác biệt đủ lớn sẽ giúp người dùng dễ dàng nhớ ra và nhận diện được bạn ở bất cứ đâu. Có một vị trí trong nhận thức của khách hàng thì thương hiệu của bạn mới có thể tồn tại và phát triển bền vững.
Hướng về độc giả
Nguyên tắc cuối cùng để xác định website chuyên nghiệp chính là tấm lòng phục vụ cho người dùng của bạn.
Xu hướng phát triển website hiện đại trên thế giới không còn quá tập trung vào giao diện (user interface – UI) nữa, thay vào đó là trải nghiệm của người dùng (user experience – UX). Nếu như UI chủ yếu dựa trên chuyên môn thiết kế và cảm nhận chủ quan của người thiết kế, thì UX là sự phản hồi của người dùng trong quá trình sử dụng thực sự.
Để có được giao diện UI/UX tốt, người thiết kế phải liên tục nghiên cứu và đánh giá các tính năng, thành phần của website dựa trên thói quen và cảm nhận của người dùng. Người dùng thích nút bấm bo hay không bo góc hơn? Nên dùng bảng màu trong thiết kế chất liệu (material design) của Google hay tự tạo phong cách riêng? v.v… Từng chi tiết phải được xem xét nghiên cứu tỉ mỉ dựa trên phản hồi người dùng và cả số liệu thực tế đo đạc được.
Sự đồng bộ, định vị thương hiệu và hướng về người dùng, là 3 nguyên tắc dẫn đường cho một website. Xuyên suốt quá trình phát triển trang website, người thiết kế nên xem xét không bỏ sót bất cứ một nguyên tắc nào. Dù có nhiều tiêu chí thiết kế cụ thể ở từng khía cạnh, nhưng mọi tiêu chí đều phải thỏa mãn 3 nguyên tắc trên.
Các tiêu chí đánh giá khi chọn dịch vụ thiết kế website chuyên nghiệp
Giao diện trực quan, thân thiện
Giao diện, hay UI, của một website chuyên nghiệp cần phải bắt mắt, có thể thu hút ánh nhìn và sự chú ý của khách ghé thăm. Tất nhiên, theo nguyên tắc, nó cũng cần phải độc đáo để có thể góp phần định vị thương hiệu cá nhân của bạn. Ngoài ra, UI website nên trực quan, thân thiện, người dùng có thể ngay lập tức định vị menu, các nút bấm và điều hướng một cách thoải mái.
Trang chủ bắt mắt và tinh gọn
Ấn tượng ban đầu tạo ra từ trang chủ có thể đem lại sự khác biệt lớn đến thái độ và nhận thức của khách hàng đối với website của bạn. Nếu trang chủ của bạn đủ hấp dẫn và ấn tượng, sẽ có ít khách thoát trang hơn, ở lại trang nhiều hơn, cũng như có nhiều tương tác hơn.
Để làm được điều đó, trang chủ của bạn chỉ nên tập trung vào nội dung chính, tức là sản phẩm/dịch vụ/chất lượng thương hiệu mà thôi. Nên sử dụng hình ảnh minh họa lớn và bắt mắt để thể hiện rõ chi tiết sản phẩm. Nhưng thuận theo xu hướng chuộng chuyển động ngày nay, bạn có thể dùng slideshow tự động chuyển từ ảnh này sang ảnh kia. Một số người dùng cũng thích nhìn infographic và đặc biệt đánh giá cao những hình minh họa tự vẽ (có thể thuê họa sĩ) bởi chúng tạo nên nét độc đáo cho thương hiệu.
Thiết kế thanh menu hợp lý
Đối với website, thanh menu là công cụ điều hướng quan trọng nhất, giúp người dùng đến được đúng nơi họ muốn, ảnh hưởng trực tiếp đến trải nghiệm duyệt web của họ.
Để tạo sự chuyên nghiệp, thanh menu của một website phải được thiết kế đẹp mắt, nổi bật và quan trọng nhất là, phải xuất hiện đồng bộ trên mọi trang (page) của website. Dù có đi vào những trang con, những mục ít đọc nhất hay những bài viết cũ nhất, thanh menu vẫn phải hiện ra với cùng ngoại hình, kích cỡ, màu sắc và tên các mục.
Ngoài ra, chỉ những mục quan trọng, được nhiều người quan tâm, tìm kiếm mới được hiện ra trên thanh menu. Những thứ ít phổ biến hơn có thể được cất vào menu phụ hoặc menu gập đối với dạng menu dọc (mũi tên ở trước mục menu, nhấp vào sẽ xổ xuống menu con)
Thiết kế nút bấm
Không có quá nhiều nút bấm trong một website, nhưng mỗi nút lại có nhiệm vụ, hành động rất quan trọng. Vì vậy, các nút bấm cần được chăm chút về thiết kế sao cho đạt hiệu quả nhìn và tương tác tốt nhất.
Giống như menu, các nút bấm trong trang của bạn cần có sự đồng bộ, tuy nhiên cũng có một số ngoại lệ. Nếu bạn chọn phong cách nút vuông có 4 góc bo tròn 2px, tất cả các nút trên website cũng cần được thiết kế y hệt như vậy. Tuy nhiên, một số nút có tầm quan trọng hơn các nút khác, ví dụ: nút “Mua ngay” chắc chắn quan trọng hơn là “Xem thêm”. Đối với những nút tối quan trọng như vậy, bạn có thể thiết kế cho chúng khác đi, đặc biệt là về màu sắc và độ nổi, đổ bóng hoặc hiệu ứng. Như vậy có thể gây chú ý cho người sử dụng, kích thích họ nhấp vào.
Tất nhiên, vẫn phải bảo toàn để nguyên tắc đồng bộ, không nên vì thu hút sự chú ý của độc giả mà phóng to những nút cần thiết lên quá nhiều lần hoặc gán cho nó một kiểu thiết kế hoàn toàn trái với phong cách chung.
Kích cỡ của nút bấm cũng là một vấn đề cần quan tâm. Trên giao diện máy tính thông thường, vì người dùng điều hướng bằng con trỏ chuột nên kích thước các nút thu nhỏ lại, chừa không gian cho những thành phần khác. Tuy nhiên, khi duyệt web bằng smartphone, người dùng thường điều hướng bằng ngón tay. Lúc này, bạn cần làm cho các nút bấm to lên để họ có thể nhấn vào được, không nhấn nhầm sang nút hoặc chi tiết khác.
Cuối cùng, vị trí đặt nút bấm cũng ảnh hưởng tới giao diện tổng thể khá nhiều. Những nút quan trọng như “Đăng ký”, “Đặt hàng” hay “Mua ngay” nên được đặt ở các vị trí dễ tìm dễ nhận ra. Thông thường, chúng nằm phía cuối thanh menu, tách biệt hẳn khỏi các mục và cả các biểu tượng (biểu tượng chia sẻ lên mạng xã hội, đăng ký email tiếp thị…) Kết hợp với thiết kế và màu sắc nổi bật, người dùng có thể nhanh chóng định vị được những nút đó trong một cái liếc mắt.
Đôi khi, với một số kiểu thiết kế độc đáo, bạn có thể đặt những nút quan trọng nhất của mình ở ngay giữa thanh menu; nhưng rất ít trường hợp có thể đặt ở góc trái hoặc ở giữa màn hình một cách hợp lý.
Bên cạnh đó, còn một số yếu tố nhỏ khác về mặt giao diện có thể ảnh hưởng đến sự chuyên nghiệp của website, ví dụ như font chữ. Bạn có thể dùng một font chữ đặc biệt ít được sử dụng để tạo điểm nhấn và định vị thương hiệu, nhưng vẫn phải xem xét kỹ lưỡng. Chẳng hạn như, font chữ viết tay có thể sẽ rất độc đáo, ngẫu hứng với nhiều nét uốn éo, nhưng hẳn sẽ rất khó đọc, nhất là khi hiển thị trên điện thoại.
Ngoài ra, một số font chữ đẹp và kiểu cách, rất thích hợp để sử dụng nhưng lại không hỗ trợ hiển thị tiếng Việt tốt, nhất là những từ có dấu. Nhiều người sẽ không để tâm vấn đề này, tuy nhiên một số khách hàng khó tính vẫn sẽ thấy khó chịu khi gặp phải lỗi hiển thị như vậy.
Cuối cùng, bản quyền của tài liệu kỹ thuật số được sử dụng cũng là vấn đề đáng lưu tâm. Bạn chỉ nên sử dụng những hình ảnh tự chụp hoặc tự thiết kế, hoặc thuê/đặt hàng họa sĩ vẽ. Nếu không, bạn có thể tải từ những kho chia sẻ hình ảnh miễn phí, không đòi bản quyền cho mục đích thương mại. Tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ là một trong những yêu cầu của thời đại hội nhập, góp phần nâng cao hình ảnh chuyên nghiệp của website.
Trải nghiệm thoải mái và hiệu quả
Những website chuyên nghiệp hàng đầu luôn có cung cấp một trải nghiệm người dùng tuyệt vời. Khách ghé thăm có thể điều hướng, sử dụng các tính năng của website một cách thoải mái, dễ dàng và hiệu quả.
Thiết kế đáp ứng
Thiết kế đáp ứng (responsive design) là yêu cầu hàng đầu cho mọi website hiện đại. Thiết kế này cho phép trang web thay đổi kích thước, bố cục và cả kiểu menu tùy theo kích cỡ màn hình được sử dụng. Nó giúp website có thể thích nghi với mọi thiết bị, có thể hiển thị và cung cấp trải nghiệm giống nhau trong mọi điều kiện.
Người dùng cho phản hồi rất tích cực về những website có thiết kế đáp ứng. Trong thời đại công nghiệp 4.0, con người có vô số thiết bị có thể kết nối và duyệt web, với đủ các kích cỡ màn hình. Thống kê cho thấy, lưu lượng truy cập Internet thông qua smartphone tương đương, thậm chí sẽ vượt lên trên truy cập từ trình duyệt máy tính.
Vì vậy, cần phải có thiết kế đáp ứng để hiển thị tốt trên mọi thiết bị, nhất là smartphone và tablet. Nó cũng cho thấy bạn biết thích nghi và mong muốn phục vụ mọi đối tượng khách hàng thuộc mọi tầng lớp, điều kiện khác nhau. Đó là những gì tạo nên tính chuyên nghiệp của bạn.
Ngoài thiết kế, bạn cũng có thể “responsive” (thích ứng) với thời đại bằng cách sử dụng những video, hình ảnh màn hình dọc cho website của mình. Xu hướng hiện nay ưa chuộng xem tất cả các loại nội dung với màn hình dọc để có thể đa nhiệm, làm nhiều thứ cùng một lúc. Nếu video giới thiệu website của bạn được quay dọc, ảnh minh họa được tối ưu theo hình chữ nhật đứng… thì sẽ thu hút được nhiều đối tượng khán giả hơn.
Tính khả dụng và tốc độ tải trang
Một trang web “load mãi không xong” hoặc “lúc nào vô cũng sập” thì không thể gọi là chuyên nghiệp được. Tính khả dụng, bao gồm cả tốc độ tải trang (nếu tải trang quá lâu đến mức nản chí thoát ra thì cũng không thể gọi là “khả dụng” được), là yếu tố bạn cần phải cân nhắc và cải thiện khi xây dựng website.
Để tăng tốc độ tải trang cũng như tính khả dụng của website, bạn nên lược bỏ những thành phần rườm rà và hiệu ứng màu mè. Một số hiệu ứng, như hiệu ứng chuyển trang slideshow hay hiệu ứng nhấn nút (cho biết là đã nhấn trúng nút mình cần) nên được giữ lại. Còn những thứ rườm rà khác (mặc dù có cần thiết hay không là do bạn quyết định) thì nên tắt bớt đi. Khi đó, bạn sẽ có thể giảm tải cho website cũng như thiết bị của người dùng, giúp tải trang nhanh hơn và hoạt động mượt mà hơn.
Bạn cũng cần tối ưu cơ sở hạ tầng kỹ thuật bên trong website, tinh chỉnh những dòng code, đoạn mã sao cho đơn giản, ngắn gọn nhất. Như vậy sẽ làm giảm thời gian xử lý của trình duyệt web và giúp tăng tốc tải trang. Khi gặp sự cố hoặc muốn bảo trì nâng cấp, bạn cũng sẽ dễ tìm và sửa lỗi hơn, rút bớt thời gian nghỉ (downtime) của website.
Một nguyên tắc phổ biến giúp tăng tốc tải trang chính là hãy nén mọi nội dung đa phương tiện trước khi đưa lên website. Có vô số công cụ, từ miễn phí đến có phí, có thể giúp bạn nén hình ảnh, video hay các nội dung khác. Nếu vẫn chưa tối ưu, có thể chuyển đổi các tệp tin sang những định dạng khác nhẹ hơn, như chuyển video từ .mp4 sang .webm chẳng hạn.
Sau khi thực hiện các thủ thuật giảm tải cho trang, bạn có thể kiểm tra lại tốc độ tải trang và tính khả dụng bằng những công cụ chuyên dụng như Google SpeedInsight, GTmetrix hoặc Pingdom. Kết quả từ các công cụ này có thể không phản ánh một cách toàn diện quá trình tải trang của bạn, nhưng cũng đáng để tham khảo.
Ngoài ra, nếu có thể hãy kiểm tra web của mình bằng những thiết bị khác nhau, với cấu hình khác nhau, đặc biệt là cấu hình thấp của những máy tính đời cũ. Không phải khách hàng tiềm năng nào của bạn cũng sử dụng những chiếc laptop high-end hay những dàn PC khủng bố.
Bên cạnh đó, nếu website bạn có nhiều lượt truy cập từ nước ngoài, có thể cân nhắc giải pháp CDN để tối ưu tốc độ tải trang và giữ cho trang web luôn hoạt động bất chấp mọi thời tiết hay sự cố vật lý.
Tính tương tác
Một tiêu chí nữa để phân biệt giữa website chuyên nghiệp với website thường thời trong đại 4.0 tính là tính tương tác. Các trang web hiện đại ngày nay ít nhiều đều có tính tương tác, chúng có thể hoạt động như một nền tảng với nội dung liên tục thay đổi và được đóng góp đa chiều.
Website của bạn nên xây dựng một hệ thống bình luận và tích cực kêu gọi độc giả tham gia tương tác. Các nút chia sẻ lên mạng xã hội cũng góp phần cải thiện tính tương tác cho trang web.
Nhưng thiết thực và hiệu quả hơn hết, chính là các nút kêu gọi hành động (call-to-action). Những nút này được gán những cái tên, dòng chữ mang tính mệnh lệnh, có thể gây ấn tượng, kích thích người xem nhấp vào. “Đăng ký!”, “Mua ngay”, “Săn deal”… là những nút kêu gọi hành động cực kỳ phổ biến, xuất hiện ở khắp mọi nơi.
Những công cụ tương tác khác cũng đáng để xem xét, chẳng hạn như cửa sổ chat trực tuyến (live-chat). Cửa sổ live-chat giúp bạn “chủ động” tiếp cận khách ghé thăm trang để tư vấn hay giải quyết khúc mắc trong thời gian thực. Phương pháp này giúp gia tăng tỷ lệ chuyển đổi cao hơn so với những cách tiếp cận truyền thống.
Tất nhiên, những cách thức tương tác có phần thụ động nhưng hiệu quả ngày xưa vẫn có thể được áp dụng, như biểu mẫu (form) liên hệ, giải đáp thắc mắc, cửa sổ nhận ý kiến đóng góp từ khách hàng và trả lời qua email…
Nội dung trung thực và có ích
Nội dung cũng là một trong những tiêu chí quan trọng nhất để đánh giá một website có chuyên nghiệp hay không, bởi vì xây dựng nội dung có thể cần nhiều thời gian và công sức hơn cả UI lẫn UX. Nội dung cũng là công cụ thể hiện nguyên tắc “hướng về độc giả” triệt để nhất, nội dung càng chất lượng thì website càng chuyên nghiệp.
Nội dung phải trung thực
Từ xưa đến nay, chuyên nghiệp là phải trung thực, ít nhất là trung thực về những thứ không phải là bí mật sống còn của doanh nghiệp. Tính trung thực thể hiện sự cầu thị, chân thành phục vụ khách hàng, là tiền đề để khách hàng yêu mến và gắn bó với thương hiệu đó.
Vì vậy, bạn cần trung thực khi giới thiệu về công ty, về sản phẩm và dịch vụ của công ty mình. Không nên quảng cáo quá lời, đẩy sự thật đi quá xa, bởi khi bị phanh phui sẽ ảnh hưởng rất lớn đến uy tín và thái độ của người dùng về thương hiệu.
Thậm chí, một số doanh nghiệp còn thành thật về lịch sử, quá khứ không mấy vẻ vang của mình (trong trang giới thiệu – About us). Nhưng sự trung thực đó lại càng khiến người dùng cảm thấy yên tâm và tin tưởng hơn là những lời quảng cáo, hứa hẹn.
Thêm vào đó, bạn nên đưa ra những bằng chứng chứng minh giá trị, hiệu quả của sản phẩm, dịch vụ hay hoạt động của doanh nghiệp. Điều này đơn giản và tất yếu như khi bán thuốc, phải có bằng dược sĩ và chứng nhận cấp phép thuốc của Bộ Y Tế thì khách hàng mới tin vậy.
Nếu là những sản phẩm và dịch vụ không có chứng nhận, cấp phép truyền thống, bạn có thể dẫn chứng từ những khách hàng cũ. Hoặc, một phương pháp rất phổ biến hiện nay, là trích dẫn nhận xét từ những khách hàng, người nổi tiếng hoặc người có ảnh hưởng đã từng dùng qua sản phẩm. Đối với một số lĩnh vực, ý kiến của người có chuyên môn cao (thay vì người nổi tiếng) sẽ có độ thuyết phục cao hơn.
Một phương pháp khác giúp khách hàng cảm nhận sự trung thực của bạn chính là cho họ biết nhiều hơn về nhân viên và cách bạn (cùng đồng nghiệp) làm việc. Người dùng sẽ thấy an tâm hơn khi họ biết được danh tính và danh tiếng những người đứng sau sản phẩm họ đang xài, cũng như cái cách mà họ làm ra nó.
Một bức ảnh chụp toàn thể nhân viên đang làm việc, đang sinh hoạt hay hoạt động xã hội; hồ sơ cá nhân của từng người với đầy đủ thông tin như tên họ, tính cách, sở thích, profile MXH… Nghiên cứu cho thấy những bộc bạch có phần riêng tư kiểu như vậy chẳng những không kém chuyên nghiệp, mà còn đem lại sự thân thiện và cảm giác gần gũi cho khách hàng, giúp họ thấy an tâm và tin tưởng ở doanh nghiệp hơn.
Tóm lại, bạn cần phải trung thực trong giới thiệu, quảng bá, cũng như trong mọi nội dung khác bạn tạo ra sau này, như bài viết, lời khuyên hay chia sẻ kinh nghiệm.
Các tiêu chí khác về nội dung
Có nhiều website không chỉ có những thông tin giới thiệu, quảng bá về thương hiệu, mà còn cung cấp và cập nhật nội dung thường xuyên bằng hình thức blog. Nếu trang web của bạn có blog, hãy chia sẻ những nội dung thực sự hữu ích mà độc giả có thể sử dụng được. Nội dung trong blog nên đi sâu vào chi tiết, giúp người đọc giải quyết được vấn đề của họ và hướng dẫn cách áp dụng những kiến thức đó vào thực tiễn.
Ngoài ra, cũng cần lưu ý về hình thức của các bài viết, bài blog trong trang. Một trong số những chi tiết người dùng để ý nhiều nhất chính là độ dài bài viết. Bài viết không nên quá ngắn vì người dùng sẽ cho rằng không có ý nghĩa gì thực sự nên mới ngắn như vậy. Còn nếu quá dài thì có thể làm chậm tốc độ tải trang hay khiến người đọc thấy ngán khi lăn chuột mãi mà chưa hết. Mặc dù vậy, nếu có thể thì nên viết dài hơn là viết ngắn.
Độ dài tối ưu dành cho các bài viết mang tính quảng bá, giới thiệu cao là: 1000-1500 từ, còn bài viết chứa kiến thức, chia sẻ thông tin thì dài từ 1500-2000 từ. Đó chỉ là con số ước lượng tương đối, bạn có thể viết nhiều hơn hoặc ít hơn vẫn được miễn là nội dung đúng trọng tâm và thực sự có ích cho người đọc.
Bạn nên phối hợp nhiều hình thức thể hiện khác nhau không chỉ trong các bài viết mà còn xuyên suốt cả website. Nên chèn hình ảnh và video vào trong bài viết để tăng sự đa dạng và cảm giác thích thú khi đọc. Thêm nữa, phải cập nhật nội dung thương xuyên và định kỳ để duy trì thói quen đọc và tương tác của người xem.
Bảo mật và an toàn dữ liệu
Một website chuyên nghiệp cần phải được áp dụng những công nghệ bảo mật tiên tiến nhất, như bảo mật đường dẫn quản trị, sử dụng giao thức an toàn HTTPS, mã hóa SSL, mã hóa thông tin đăng nhập, v.v…
Website càng thu thập nhiều thông tin nhạy cảm của khách hàng thì càng phải chú trọng đặc biệt về bảo mật. Các website thương mại điện tử, shop bán hàng online, lớp học trực tuyến… thường yêu cầu thông tin thanh toán, tài khoản ngân hàng của người dùng. Đây là những dữ liệu vô cùng nhạy cảm và đáng giá, nếu rơi vào tay hacker có thể bị dùng để đánh cắp hoặc tống tiền, dẫn tới thiệt hại khôn lường.
Thông tin hồ sơ mạng xã hội của người dùng cũng rất đáng giá, có thể từ đó truy ra được những mối quan hệ xã hội, sở thích hay mối quan tâm của họ… có thể xây dựng tập hồ sơ khách hàng rồi bán cho các nhà tiếp thị. Thậm chí kể cả những thông tin nhân dạng cơ bản như tên họ, địa chỉ, số điện thoại… cũng có thể làm cơ sở cho những vụ lừa đảo, tin nhắn nặc danh hay quấy rối, v.v…
Thông thường, bảo mật và an toàn dữ liệu là yếu tố kỹ thuật chuyên sâu, người dùng rất khó đánh giá. Tuy nhiên, cách dễ dàng nhận biết được độ an toàn của một website là khi gặp sự cố. Khi máy chủ bị tấn công, website bị hack và dữ liệu người dùng bị mất cắp, chắc hẳn website của bạn sẽ dễ dàng bị gán mác “thiếu chuyên nghiệp”.
Do đó, những người lập trình, phát triển website cần quan tâm nhiều đến vấn đề bảo mật và an toàn dữ liệu người dùng, bởi dẫu sao đây cũng là lĩnh vực gần gũi với chuyên môn của họ nhất.
Tóm tắt: tiêu chí đánh giá website được thiết kế chuyên nghiệp
Qua bài viết, có thể thấy có khá nhiều tiêu chí để đánh giá sự chuyên nghiệp của một website, mỗi tiêu chí xem xét một khía cạnh cụ thể. Bên cạnh đó, còn có 3 nguyên tắc đều ít nhiều được thể hiện qua các tiêu chí để tạo thành sự chuyên nghiệp cho một trang web. Website của bạn có thể không thỏa mãn đầy đủ các tiêu chí, nhưng vẫn phải tuân thủ đúng 3 nguyên tắc cốt lõi. Nếu bạn cảm thấy khá khó hiểu và phiền phức, đơn giản nhất là bạn chọn một đơn vị uy tín, sau đó yêu cầu thiết kế website trọn gói và sẽ được hỗ trợ thiết kế, lập trình từ A-Z.
Tóm lại, 3 nguyên tắc và 7 tiêu chí đánh giá website chuyên nghiệp là:
Nguyên tắc:
- Đồng bộ hóa
- Định vị thương hiệu
- Hướng về độc giả
Tiêu chí
- Giao diện trực quan và bắt mắt
- Thiết kế đáp ứng, linh hoạt
- Khả dụng cao và tải trang nhanh
- Có tính tương tác
- Nội dung trung thực
- Nội dung bổ ích, hình thức thể hiện tốt và phong phú
- Bảo mật và an toàn