Lập trình web bằng WordPress đang ngày càng trở nên phổ biến hơn bao giờ hết. Trong thời đại chuyển đổi số của thời đại 4.0, thương mại điện tử đang được áp dụng vào hầu hết các mặt hàng kinh doanh. Một khi chọn hướng đi thương mại điện tử, bạn sẽ cần đầu tư vào các nền tảng điện tử như trang web, facebook, instagram, zalo hay tiktok,…
Một trong số những nền tảng mà mình nhắc đến ở trên là trang web. Nền tảng này phù hợp cho rất đa dạng lĩnh vực như kinh doanh, blog, hay tin tức, báo chí. Dầu cho với mục đích gì thì đây chính xác là lúc bạn nên tìm hiểu về cách tạo trang web bằng WordPress.
Trước hết mình sẽ làm rõ các khái niệm về lập trình web cơ bản và nền tảng WordPress để giúp việc theo dõi bài viết được thuận tiện và dễ hiểu hơn. Sau đó sẽ đi vào hướng dẫn chi tiết từng bước để tạo được một trang web với wordpress. Đồng thời mình cũng chia sẻ thêm về những lợi ích rộng lớn mà WordPress mang lại. Những lợi ích này cũng chính là những lí do khiến cho mọi người “đổ xô” lựa chọn wordpress khi có nhu cầu tạo một trang web.
Hơn 35% các trang web hiện nay trên thế giới được tạo ra từ nền tảng WordPress
WordPress được xem là nền tảng tạo website phổ biến nhất
Lập trình web là gì?
Lập trình web là công việc dùng ngôn ngữ lập trình để yêu cầu máy tính làm nên những thiết kế và xây dựng một website. Hay nói cách khác là công việc được thực hiện với các lập trình viên. Nhằm chuyển đổi tất cả những thông tin, dữ liệu để tạo thành một website hoàn chỉnh có thể sử dụng được trên đó.
Mình sẽ lấy một ví dụ cụ thể để bạn hiểu rõ hơn. Bạn đang kinh doanh áo quần và muốn tạo một trang website để bán hàng. Bạn có ý tưởng muốn trang web sẽ hiển thị tất cả các sản phẩm bạn đang bán. Trong đó thể hiện đầy đủ màu sắc, size, chất liệu, thương hiệu, hình ảnh sản phẩm. Ngoài ra bạn muốn nó phải có thêm giỏ hàng, cho phép thanh toán trực tuyến, quản lý khách hàng, …vv. Vậy để xây dựng trang web như vậy thì lập trình viên sẽ dùng các ngôn ngữ lập trình để chuyển đổi những thông tin, ý tưởng bạn cung cấp để xây dựng nên một website hoàn chỉnh.
Lập trình web là gì? Học lập trình web thì cần học những gì?
Đừng để những thuật ngữ chuyên ngành như lập trình web, thiết kế web hay ngôn ngữ lập trình làm bạn hoang mang hay lo sợ không làm được nhé. WordPress sẽ giúp bạn giải quyết một cách dễ dàng thôi. Bình tĩnh đọc tiếp thôi!
WordPress là gì?
WordPress là một công cụ giúp tạo trang web miễn phí. Việc duy nhất cần làm là mua một hosting và một domain (tên miền). Sau đó thì chỉ cần chọn giao diện hiển thị website và tiến hành cài đặt để hoàn thiện website của mình.
Một định nghĩa chuyên môn hơn về nền tảng này đó chính là WordPress được biết đến như công cụ giúp tạo ra các trang web hay các trang blog hoặc các trang dưới dạng tin tức. Phần mềm WordPress được viết ra bởi ngôn ngữ lập trình PHP và cơ sở quản trị dữ liệu SQL.
Ngoài những định nghĩa đấy thì mình có thêm một định nghĩa “dân dã” hơn cho bạn đây. WordPress là nền tảng dành cho “người mù” lập trình (nói vậy chứ dân lập trình vẫn dùng được).
Vậy lập trình web bằng wordpress là sử dụng hệ thống quản lí nội dung WordPress để tạo ra một trang website dựa trên những công cụ, tính năng mà nền tảng này cung cấp.
Lợi ích của lập trình web bằng wordpress
Miễn phí
WordPress trở thành hệ thống quản trị nội dung lớn nhất thế giới. Nó cung cấp hoàn toàn miễn phí hoặc bạn sẽ mất một khoảng phí khá nhỏ để mua hosting và domain.
Đối với loại miễn phí hoàn toàn 100% thì tên miền website của bạn sẽ là wpmienphi.wordpress.com. Bản miễn phí sẽ hạn chế một số tính năng như không thể thay đổi hay cài mới Theme và Plugins ở bên ngoài mà phải sử dụng những tài nguyên sẵn có ở trong kho của wordpress cung cấp miễn phí. Đây là một nhược điểm của wordpress.com khi người dùng không thể sáng tạo một Plugin cho riêng mình.
Còn nếu bạn có thể bỏ ra một khoản chi phí để mua tên miền và tự hosting thì sẽ có được tên miền như mong muốn. Ngoài ra việc tự hosting cho phép bạn trải nghiệm thêm một số tính năng như có thể tự tải những plugin, theme về cho website và thỏa ý sáng tạo.
Dễ dàng tùy chỉnh các chủ đề và plugin
Chủ đề (Theme) trong WordPress có thể được xem như phần giao diện của một trang website. Nó có thể bao gồm các phần như bố cục, màu sắc, hiệu ứng, hình ảnh, text,…Chủ đề (theme) là bộ mặt của một website, giúp một trang web trở nên bắt mặt, gây hứng thú với người dùng.
Plugin là các ứng dụng được tích hợp vào WordPress. Những plugin được thêm vào WordPress sẽ cung cấp các tính năng trên trang. Thật tuyệt vời khi đã có sẵn hàng ngàn plugin được tạo sẵn trong wordpress, bạn chỉ việc thêm vào, nếu không muốn sử dụng nữa thì vô hiệu hóa plugin đã chọn đó đi là xong. Mỗi plugin sé có chức năng khác nhau. Có thể liệt kê ra một số plugin phổ biến như wpsmush giúp nén hình ảnh, giảm bớt dung lượng giúp load ảnh nhanh hơn, wordfence giúp tăng bảo mật cho trang web hay như w3 total cache có chức năng giúp tăng tốc độ load trang website.
Trong kho tài nguyên của WordPress kể cả phiên bản miễn phí hay mất phí đều có sẵn hàng ngàn chủ đề và plugin cho bạn tha hồ chọn lựa. Tuy nhiên nhớ chú ý đừng “tham” mà dùng quá nhiều, lựa chọn một số cái và quan trọng là phụ hợp với mục đích sử dụng của trang web.
Phù hợp cho người chưa có nền tảng về lập trình
Lập trình web bằng wordpress được xem là một giải pháp cực kì tiện lợi cho những người dùng không cần kiến thức lập trình hay kĩ năng website nâng cao. Thậm chí nếu bạn hoàn toàn chưa biết gì về lập trình cũng có thử sử dụng nó. Còn nếu bạn có kiến thức lập trình thì có thể phát triển thêm cho trang web trở nên “cool” hơn.
Với hàng ngàn chủ đề và plugin có sẵn và dễ dàng tùy chỉnh theo mong muốn của bạn thì dầu bạn không biết tý code nào vẫn có thể làm được. Có chăng nếu bạn chưa có nền tảng về lập trình thì quá trình thao tác sẽ lúng túng và chậm hơn thôi.
Thân thiện với SEO
SEO (Search Engine Optimization) hay còn gọi là tối ưu hóa công cụ tìm kiếm. Đây là tập hợp các kỹ thuật nhằm giúp tăng thứ hạng, tăng khả năng hiển thị của trang website đến với người tìm kiếm thông tin.
Ví dụ như khi bạn cần tìm kiếm về cách để tạo một trang web bằng wordpress. Bạn gõ những thắc mắc của bạn vào ô tìm kiếm của Google, sẽ có một loạt các bài viết hiện ra. Tuy nhiên bạn thường có xu hướng chọn đọc những bài ở đầu tiên phải không nào. Thì SEO chính là công cụ giúp những bài viết này lên tăng thứ hạng và lên những top đầu.
WordPress được thiết kế và cung cấp các hỗ trợ để phù hợp với SEO. WordPress cung cấp các chủ đề (theme) và plugin hỗ trợ chuẩn SEO. Ngoài ra trong wordpress cũng cho phép bạn thiết lập đường dẫn chuẩn SEO và wordpress sử dụng tên miền là https thay vì https, trong đó https lại được Google ưu tiên đẩy vị trí xếp hạng hơn.
Từ chính những lợi ích này mà WordPress đang trở thành công cụ quản trị nội dung phổ biến nhất hiện nay trên thế giới. Vậy tạo một trang website với wordpress có dễ không và cách làm như thế nào? Ngay phần tiếp theo mình sẽ chia sẻ ngay chi tiết để giúp bạn có thể tự mày mò tạo một trang web hay blog cho riêng bạn nhé.
Hướng dẫn lập trình web bằng wordpress cho người chưa có nền tảng lập trình
Mua hosting server
Hosting server được hiểu như không gian lưu trữ dữ liệu cho website. Hiện nay trên thị trường có nhiều đơn vị bán. Bạn có thể tham khảo 2 đơn vị đang được nhiều người tin dùng hiên này là tinohost.com và matbao.net.
Không gian lưu trữ Hosting server có 3 loại: Shared Hosting, VPS Hosting và Dedicated Hosting. Thông thường website wordpress thường sử dụng shared hosting.
Đăng ký tên miền website (domain)
Tên miền (domain) là một trong những yếu tố quan trọng giúp người dùng truy cập vào website của bạn để đọc được các dữ liệu lưu trong hosting server. Đặt tên cho không gian lưu trữ dữ liệu để người dùng dễ dàng tìm kiếm và để phân biệt các website với nhau. Việc sử dụng tên miền như là một địa chỉ web dẫn đến website của bạn. Đăng kí tên miền website trên nền tảng wordpress được ví giống như gắn địa chỉ nhà lên cái nhà bạn ở để người khác dễ dàng tìm thấy nhà bạn vậy đó.
Một bí quyết khi mua tên miền, nên chọn tên miền không quá dài và phù hợp với nội dung của website. Ví dụ: nội dung trang web của bạn là về các đồ dùng công nghệ thì bạn có thể đặt tên miền là dodungcongnghe.vn.
Sau khi có tên miền và hosting việc tiếp theo bạn cần làm là trỏ tên miền về hosting. Nếu mua chung hosting với tên miền tại cùng 1 nhà cung cấp thì được hỗ trợ gán tên miền với hosting. Nếu bạn mua riêng thì truy cập vào công cụ quản lí hosting mà nhà bán hosting cung cấp để cài đặt. Tuy nhiên thao tác khá phức tạp với người mới chưa biết gì, nên bạn có thể nhờ đơn vị cung cấp hosting hỗ trợ cho nhanh.
Cài đặt WordPress
Sau khi mua hosting bạn sẽ được cung cấp công cụ quản lí hosting. Trong phần cài đặt ứng dụng phần mềm của công cụ quản lý hosting, chọn wordpress và bấm install là xong bước cài đặt.
Cài đặt và trang trí website
Bước 1: Bảo mật website wordpress
Mọi người khi tạo website thường bỏ qua bước này. Trong khi đó, bước bảo mật này lại thật sự rất quan trọng và nên ưu tiên làm đầu tiên. Vì sao? Bạn thử tưởng tượng bạn đầu tư thời gian và bỏ ra công sức xây dựng và phát triển nội dung cho trang web, website hoạt động tốt mang lại doanh thu,..vv nhưng đùng một phát một ngày đẹp trời nào đó website lặng mất tăm, bị hack. Nên lo thực hiện bảo mật cho website trước rồi ưa làm gì làm. Dưới đây là 4 cách để bảo mật cho trang website WordPress được an toàn.
Sử dụng hosting server chất lượng: Thông thường website wordpress thường sử dụng shared hosting. Mà các gói shared hosting thì thường nằm trên cùng một máy chủ. Vì vậy nếu một trong các website hệ thống máy chủ bị dính mã độc là coi như các máy còn lại khả năng cao cũng bị ảnh hưởng. Để tránh trường hợp này, khi chọn nhà cung cấp hosting server, bạn chọn nơi cung cấp hosting server có sử dụng CloudLinux OS. CloudLinux OS là hệ điều hành dùng cho điện toán đám mây, giúp hệ thống mỗi người dùng là tập tin ảo riêng, không ảnh hưởng đến các website khác khi bị tấn công.
Thay đổi username (tên người dùng): Không để username là admin như wordpress mặc định lúc đầu. Bạn nên thay đổi username phức tạp để đảm bảo được an toàn hơn. Luôn cập nhật thường xuyên phiên bản mới nhất cho WordPress, theme và plugin. Những phiên bản mới thường được chỉnh sửa các lỗi mắc phải trong phiên bản cũ. Ngoài ra trong phiên bản mới cũng được cải thiện và nâng cấp thêm nhiều tính năng.
Sử dụng plugin bảo mật cho website WordPress của bạn: Wordfence Security là plugin miễn phí chuyên về bảo mật cho website Word press đang đươc sử dụng phổ biến hiện nay. Ngoài tính năng bảo mật, plugin Wordfence Security còn có kèm theo một số tính năng như mật khẩu hai lớp hay quét mã độc tự động trên host.
Bước 2: Cài đặt chủ đề cho giao diện của website
Có 2 cách để cài đặt chủ đề (theme) cho website.
Cách 1: Sử dụng theme cung cấp sẵn của WordPress.
Cách 2: Thêm từ bên ngoài vào.
Trong WordPress có sẵn hàng ngàn theme miễn phí cho bạn lựa chọn. Tuy nhiên cần lựa chọn theme phù hợp với mục đích sử dụng website. Ví dụ theme Flatsome phù hợp các trang web thiết kế bán hàng. Còn nếu muốn trang web phục vụ cho việc viết blog hay trang tin tức, báo chí thì dùng theme ColorMag.
Bước 3: Cài đặt plugin hỗ trợ lập trình web bằng trong WordPress
Plugin là một thành phần mở rộng nhỏ được lập trình riêng dựa vào mã nguồn mở có sẵn của WordPress. Mỗi plugin khác nhau có những chức năng khác nhau, chúng vô cùng đa dạng và có rất nhiều phiên bản miễn phí. Nhưng không thể vì tính năng miễn phí của nhiều plugin mà cài đặt một cách tùy tiện. Nếu sử dụng plugin quá nhiều sẽ gây cho bộ nhớ nặng và tốc độ tải trang cũng chậm hơn.
Ví dụ nếu bạn muốn tạo website phục vụ bán hàng thì nên sử dụng các plugin tiêu biểu để làm website như:
– Contact Form 7 là plugin giúp tạo, tuỳ chỉnh và quản nhiều form để gửi email miễn phí.
– WooCommerce là plugin nhằm hỗ trợ khởi tạo trang web thương mại điện tử hay web bán hàng nhanh chóng và hiệu quả.
– Yoast SEO là plugin giúp tối ưu cho công cụ tìm kiếm cho website (SEO).
– Elementor là plugin hỗ trợ tạo nên một trang web thu hút, bắt mắt và ấn tượng hơn.
Bước 4: Phát triển nội dung và hình ảnh cho website
Đây là bước “lấp đầy những khoảng trống” cho website của bạn. Tuỳ thuộc mục đích tạo website của bạn mà bạn nên xây dựng ý tưởng nên chia sẻ những gì. Ví dụ bạn muốn tạo trang website để bán hàng. Bạn có thể tạo trang chủ, trang sản phẩm, trang tin tức, trang thanh toán, trang liên hệ…Trong mỗi trang bạn cập nhật các hình ảnh và bài viết về thương hiệu và các thông tin về sản phẩm hay cách thức thanh toán mà cửa hàng của bạn chấp nhận.
Kết luận
Như vậy trên đây mình đã chia sẻ các bước để giúp bạn có thể tự làm được một trang website bằng WordPress. Tuy nhiên để phát triển một trang website hoàn thiện và mang lại nhiều giá trị cho người dùng, bạn nên học và sáng tạo các nội dung, chỉnh sửa các giao diện và bổ sung các tính năng hơn nữa.
Ngoài viết web bằng WordPress như bài viết đã cung cấp, một website còn có thể được tạo ra bằng các ngôn ngữ lập trình khác như Java, Ruby, Python… Nếu bạn muốn tìm hiểu chi tiết hơn về lập trình web cũng như muốn tham khảo thêm các tài liệu về lập trình web, bạn có thể tìm đọc thêm tại đây.