Thị trường Cloud platform (hay nền tảng đám mây) đang tăng trưởng khá nóng, thu hút một lượng lớn người dùng mỗi năm. Rất nhiều doanh nghiệp trên thế giới cũng đã chuyển dịch lên đám mây. Theo ước tính, hơn 80% các doanh nghiệp trên toàn cầu với hơn 1.000 nhân viên hiện sử dụng cùng lúc nhiều Cloud platform để đáp ứng nhu cầu công việc, và theo dự báo trong năm nay, tỷ lệ này sẽ đạt 90%.
Cloud platform là gì?
Cloud platform, đôi lúc còn được đề cập đến thông qua thuật ngữ “Cloud computing” (điện toán đám mây), là khái niệm xoay quanh hệ điều hành và phần cứng của máy chủ đặt bên trong một trung tâm dữ liệu kết nối internet. Nó là tập hợp các công nghệ cho phép người dùng thực hiện nhiều loại tác vụ khác nhau: từ phát triển và chạy các ứng dụng doanh nghiệp và người dùng, cho đến lưu trữ và xử lý những khối dữ liệu khổng lồ, hay huấn luyện các mô hình phần mềm trí tuệ nhân tạo…mà không cần sở hữu máy chủ vật lý.
Thay vào đó, dữ liệu được đặt an toàn trên một máy chủ từ xa, và người dùng sử dụng hạ tầng được cung cấp để truy xuất chúng một cách dễ dàng từ bất kỳ đâu.
Lợi ích quan trọng nhất của Cloud platform là mọi thông tin có thể được truy xuất từ bất kỳ thiết bị nào có kết nối internet. Ngoài ra, còn có một số lợi ích đáng chú ý khác như sau:
– Chi phí thấp: theo các chuyên gia, trung bình các dịch vụ đám mây giúp doanh nghiệp cắt giảm từ 20-50% chi phí. Các doanh nghiệp có thể tiết kiệm tiền bằng cách sử dụng các dịch vụ đám mây thay vì mua sắm các phần cứng và hệ thống đặt tại chỗ, vốn khá đắt đỏ. Ngoài ra, với các Cloud platform, doanh nghiệp chỉ phải bỏ tiền mua các gói dịch vụ mà họ cần đến.
– Tiện lợi: các Cloud platform cho phép dễ dàng truy xuất thông tin doanh nghiệp thông qua smartphone và các thiết bị di động khác. Các nhân viên với khối lượng công việc lớn, cũng như những người làm việc từ xa, có thể duy trì kết nối ổn định với khách hàng và đồng nghiệp, dù ở bất kỳ đâu.
– Hiệu quả và bảo mật: trong môi trường số ngày nay, chỉ cần gián đoạn dù chỉ một thời gian ngắn cũng sẽ dẫn đến những tác động rất lớn đối với doanh nghiệp. Giảm năng suất, giảm lợi nhuận, và đánh mất hình ảnh thương hiệu là một vài kết quả tiêu cực có thể xảy ra.
Các dịch vụ đám mây với cơ chế khôi phục dữ liệu mạnh mẽ sẽ là giải pháp cứu cánh tuyệt vời mà thông thường nhiều doanh nghiệp không hề nghĩ đến, hoặc chưa đầu tư đủ nhiều vào chúng.
Tại sao nên sử dụng các Cloud platform?
Trên thực tế, bảo mật được xem là ưu điểm lớn nhất của Cloud platform so với các giải pháp máy chủ truyền thống. Các Cloud platform luôn được tin tưởng như một công cụ giúp đảm bảo dữ liệu người dùng an toàn trước các hacker và các thách thức bảo mật khác.
Mã hóa là một trong những lý do tại sao dữ liệu lại an toàn trên các Cloud platform. Đại đa số các Cloud platform hiện đại sẽ tự động mã hóa tập tin của người dùng sau khi upload, đảm bảo chỉ những ai có quyền truy xuất mới tiếp cận được chúng.
Sử dụng Cloud platform còn giúp bạn quên đi nỗi lo về máy chủ – các trung tâm dữ liệu nơi lưu trữ thông tin của bạn. Thông thường, dữ liệu trên máy chủ có thể bị mất nếu sự cố xảy ra (bị phá hoại, đánh cắp, hư hỏng…). Mọi tập tin trên Cloud platform đều được lưu trữ trực tuyến và được sao lưu ra nhiều máy chủ đám mây đặt ở nhiều nơi trên thế giới!
Các loại Cloud platform và tính năng của chúng
Hiện nay có nhiều công nghệ đám mây đáp ứng được mọi nhu cầu của các doanh nghiệp thuộc mọi kích cỡ. Tùy thuộc vào vị trí của đám mây và hướng phát triển, có thể chia các Cloud platform thành 3 loại chính:
– Đám mây riêng tư: vận hành trên một mạng lưới bảo mật dành riêng cho một doanh nghiệp duy nhất. Một đám mây riêng tư có thể được xây dựng dựa trên các nền tảng riêng của nó, hoặc được giao cho các nhà cung cấp bên thứ ba quản lý.
Ưu điểm chính của đám mây riêng tư là tính minh bạch cao, tùy biến linh hoạt, bảo mật và khả năng kiểm soát tốt, dễ mở rộng.
Nhược điểm của nó là giá thành cao, bảo trì phức tạp.
– Đám mây công cộng: phục vụ rất nhiều người dùng cùng lúc. Đối với đám mây công cộng, nhà cung cấp dịch vụ đồng thời là người đảm nhiệm hỗ trợ kỹ thuật và bảo trì phần cứng, phần mềm. Đám mây công cộng rẻ hơn nhiều so với đám mây riêng tư; giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian và tiền bạc, cũng như tập trung vào các hoạt động khác.
Tuy nhiên, đám mây công cộng dễ bị tấn công hơn, và khả năng tùy biến cũng hạn chế hơn.
– Đám mây lai: là giải pháp kết hợp đám mây công cộng và đám mây riêng tư. Thông thường, tài nguyên của đám mây lại được phân bổ đồng đều vào các đám mây nhỏ chuyên biệt để đảm bảo hiệu suất cao nhất. Đám mây lai mở ra những cơ hội gần như vô tận cho các quản trị viên IT. Nó bảo mật cao, nhưng đồng thời cũng đảm bảo khả năng cộng tác và chia sẻ ứng dụng, dự án giữa nhiều người dùng khác nhau.