WP Staging Pro – Clone và staging website WordPress đơn giản nhất

Trong quá trình sử dụng WordPress của mình, staging là môi trường không thể thiếu để mình có thể sửa hoặc nâng cấp website mà không cần can thiệp vào website chính, tránh tình trạng phát sinh lỗi trong lúc sửa làm gián đoạn truy cập. Sau khi hoàn tất công việc, thì có thể di chuyển dữ liệu đã chỉnh sửa trên website staging về lại website chính mà không làm gián đoạn website.

Cách để tạo môi trường staging thì có rất nhiều, trên blog mình đã có một số bài như:

  • Tạo staging website WordPress trên host cPanel với Git
  • Tạo staging cho WordPress bằng WordMove (không áp dụng với macOS M1 và Windows)

Hoặc nếu bạn cần đơn giản hơn thì hiện nay trên các hosting sử dụng cPanel có tích hợp Softaculous, thì sẽ có thêm tính năng tên là WordPress Manager, trong đó có tính năng tạo bản staging cho WordPress chỉ với vài cú nhấp chuột, rất nhanh gọn lẹ.

Tuy nhiên với các website WordPress không sử dụng cPanel và Softaculous thì vấn đề tạo bản staging có vẻ sẽ phức tạp hơn, vì vậy cách hay nhất và đơn giản nhất trong trường hợp này là sử dụng plugin hỗ trợ môi trường staging cho website WordPress, và một trong số đó là plugin WP Staging Pro mình rất ưa thích, plugin này có phiên bản miễn phí nhưng chỉ sử dụng để clone website chứ không thể làm staging.

WP Staging Pro hiện tại được bán với giá từ $7.99/tháng cho 1 website và $25.99/tháng cho không giới hạn website, và nếu bạn đang sử dụng hosting và VPS tại AZDIGI thì sẽ được miễn phí bản quyền plugin này theo chương trình tặng theme và plugin của AZDIGI từ năm 2019.

WP Staging Pro có tính năng nào?

Nghe cái tên WP Staging Pro thôi là biết tính năng chính của nó là tạo bản staging cho website rồi, nhưng chính xác hơn nó sẽ có nhiều tính năng phụ khác mà có thể bạn sẽ cần.

Tạo staging chuyên nghiệp

WP Staging Pro giúp tạo môi trường staging chuyên nghiệp cho website WordPress bất kể bạn đang sử dụng cấu hình máy chủ hay hosting nào. Bạn có thể tuỳ chỉnh tạo bản staging với một tên miền khác trên cùng máy chủ, hoặc sử dụng tên miền dạng kiểu thư mục. Sau khi thao tác, nó sẽ nhân bản website của bạn ra thành 1 bản staging và bạn có thể bắt đầu chỉnh sửa trên đó.

Quá trình nhân bản (clone) website

Sau khi thực hiện thay đổi trên website staging, bạn có thể dễ dàng chuyển các dữ liệu đã thay đổi (bao gồm trong database và các tập tin đã được sửa trong mã nguồn) chỉ với 1 cú nhấp chuột. Theo mình đánh giá thì thao tác này hoạt động rất nhanh và mượt mà.

Backup và lên lịch backup nhanh chóng

Nếu bạn cần tìm giải pháp backup dữ liệu website hằng ngày ra Google Drive/Amazon S3, thì có thể không cần dùng thêm plugin khác, vì plugin WP Staging Pro có hỗ trợ lên lịch backup website tự động và lưu trữ lên các dịch vụ lưu trữ đám mây. Tuy nhiên nhược điểm của tính năng này đó là chỉ hỗ trợ khôi phục toàn bộ bản backup, không hỗ trợ khôi phục từng phần riêng biệt.

Ngoài ra, bạn cũng có thể chuyển website qua host mới bằng cách tải bản backup về máy, sau đó cài đặt một website WordPress mới hoàn toàn trên host mới, cài plugin WP Staging Pro lên và tải bản backup lên để khôi phục.

Hướng dẫn sử dụng WP Staging Pro

Tạo website staging

Sau khi cài đặt plugin WP Staging Pro và kích hoạt bản quyền, bạn truy cập vào Admin => WP Staging Pro => Staging Sites và ấn nút Create New Staging Site để tạo bản staging mới.

Ấn nút tạo bản staging mới

Tại đây, nếu bạn để nguyên cấu hình mặc định thì vẫn có thể tạo bản staging bình thường theo cấu hình sẵn, tuy nhiên trường hợp bạn cần cấu hình nâng cao hơn thì có thể tinh chỉnh lại.

  • Enter Site Name: Nhập tên website mới cho bản staging, nếu không có gì thay đổi thì nên giữ nguyên.
  • Database Tables: Tuỳ chọn bảng (table) cơ sở dữ liệu của website cần chép qua staging, mặc định sẽ chọn tất cả bảng nên nếu không có gì đặc biệt bạn nên giữ nguyên, chỉ nên cấu hình khi bạn hiểu đang làm gì.
  • Files: Tuỳ chọn thư mục tập tin cần chép qua bản staging, mặc định sẽ chọn toàn bộ thư mục trong mã nguồn WordPress .
  • Advanced Settings:
    • Change Database: Mặc định bản staging sẽ sử dụng chung cơ sở dữ liệu với website chính, nhưng sẽ phân biệt dựa theo tiền tố của bảng dữ liệu. Trường hợp bạn muốn website staging dùng một cơ sở dữ liệu khác, thì có thể nhập thông tin cơ sở dữ liệu mới vào đây. Nhưng theo mình, bạn nên dùng chung database vì cũng không ảnh hưởng gì, khi xoá staging nó sẽ tự xoá.
    • Change Destination: Mặc định website staging tạo ra sẽ sử dụng chung với tên miền website chính và phân chia theo thư mục, ví dụ: là holdingvn.com/737623723/, trong đó 737623723 là dãy số ngẫu nhiên được tạo ra. Trường hợp bạn muốn website staging của bạn là một tên miền riêng khác hoặc tên miền con (sub-domain) thì sẽ cần cấu hình lại đường dẫn thư mục và tên miền cho website staging tại phần này.
    • Symlink Uploads Folder: Mặc định nó sẽ copy toàn bộ mã nguồn bao gồm thư mục /wp-content/uploads qua bản staging, nhưng nếu bạn có nhiều dữ liệu đã tải lên website khiến thư mục này nặng hơn, thì có thể sử dụng tính năng này để nó sẽ tạo symlink kết nối dùng chung thư mục uploads của website staging chung với website chính.

Sau khi nhập đầy đủ thông tin thì bạn ấn nút Start Cloning để bắt đầu tạo, quá trình tạo ra nhanh hay chậm phụ thuộc vào cấu hình và dung lượng của website.

Quá trình tạo bản staging

Và sau đây là thông báo khi quá trình tạo staging hoàn tất.

Khi tạo xong bản staging, bạn sẽ được cung cấp đường dẫn của website staging và có thể truy cập để bắt đầu làm việc ngay bây giờ.

Khi nhấp vào website staging lần đầu, bạn sẽ đăng nhập lại bằng tài khoản admin và lưu ý chắc chắn mình đang làm việc trên website staging bằng cách nhìn lên thanh quản trị sẽ có màu cam như hình dưới, tránh thao tác nhầm.

Và lưu ý, không cập nhật dữ liệu gì ở website chính, kể cả đăng bài mới. Hãy làm tất cả mọi thứ trên website staging vì sau này bạn sẽ cập nhật đè dữ liệu website staging về website chính.

Lưu ý về permalinks (đường dẫn tĩnh)

Website bản staging mặc định sẽ tắt đường dẫn tĩnh vì trên bản staging thường không cần dùng đến tính năng này, một phần cũng là vì giúp việc cấu hình đơn giản hơn. Nhưng vì lý do nào đó, bạn cần sử dụng permalinks trên website staging, thì bạn sẽ cần chèn thêm một số cấu hình vào tập tin .htaccess hoặc cấu hình NGINX như bên dưới hoặc xem chi tiết hướng dẫn chính hãng.

Đối với Apache/LiteSpeed

Chèn vào tập tin .htaccess tại thư mục gốc của website staging, và thay chữ staging trong nội dung thành tên thư mục bản staging của bạn (nhìn trên đường dẫn website).

Đối với NGINX

Chèn đoạn sau vào trước ký tự } ở cuối tập tin cấu hình tên miền website chính và thay staging thành tên thư mục website staging của bạn.

Chuyển dữ liệu từ staging về website chính

Sau khi đã thực hiện chỉnh sửa hoàn tất trên website staging và muốn đưa các thay đổi đó về website chính, thì bạn có thể thực hiện như bên dưới.

Bạn truy cập vào Admin => WP Staging Pro => Staging Sites, chọn nút Actions ở website staging cần đẩy dữ liệu và chọn Push Changes.

Chọn Push Changes để đẩy các thay đổi trên staging về site chính

Tại phần sau, bạn nên giữ nguyên cấu hình và ấn nút Push Staging Site to Live Site.

Bắt đầu đẩy dữ liệu staging về site chính

Sau khi hoàn tất bạn tiến hành xoá toàn bộ cache của website (nếu có) nhé.

Push dữ liệu hoàn tất

Cập nhật dữ liệu website staging

Trường hợp bạn đã có vài thay đổi trên website chính, và cần cập nhật các thay đổi đó cho website staging thì bạn có thể chọn thao tác Update như hình dưới. Lưu ý là việc này sẽ đè dữ liệu lên website staging thành dữ liệu hiện tại của website chính nhé.

Cấu hình backup tự động

Bạn cũng có thể dùng plugin WP Staging Pro để sao lưu dữ liệu định kỳ cho website và đẩy lên Google Drive/Amazon S3 hay lưu chính trên host hiện tại. Bạn vào Admin => WP Staging Pro => Backup Migration và ấn nút Create New Backup.

Sau đó bạn cấu hình backup qua giao diện như hình dưới.

Trong đó, các mục khác bạn nên giữ nguyên. Nếu bạn muốn backup định kỳ thì bỏ chọn One-Time Backup và chọn chu kỳ cần backup, bạn nên chọn Daily để backup mỗi ngày nhé.

Phần Storages nếu bạn lưu trên Google Drive hay Amazon S3 thì ấn vào liên kết Activate tương ứng để cấu hình không gian lưu trữ backup rồi tiến hành thao tác tạo backup lại.

Sau khi hoàn tất thao tác thì ấn nút Start Backup để kết thúc.

Khôi phục dữ liệu backup

Trường hợp bạn cần khôi phục bản backup đã có trên website được tạo bởi WP Staging Pro, thì bạn có thể vào mục Backup & Migration và chọn Actions => Restore để khôi phục.

Khôi phục dữ liệu backup

Lời kết

Ở trên là hướng dẫn chi tiết cách sử dụng WP Staging Pro để tạo môi trường staging nhanh chóng cho website WordPress. Có thể bạn sẽ thấy hơi mất công nhưng thao tác này giúp công việc quản trị website của mình hiệu quả hơn, tránh thao tác nhầm khi làm việc trên website chính.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *